Việt Nam cần ưu tiên phát triển nguồn năng lượng sạch, tái tạo thân thiện với môi trường
Bà đánh giá như thế nào về tiềm năng phát triển nguồn năng lượng sạch, NLTT của Việt Nam hiện nay?
TS. Nguyễn Thúy Nga: Từ những năm 60 của thế kỷ XX, các hoạt động nghiên cứu sử dụng các nguồn NLTT ở Việt Nam đã được quan tâm, khẳng định vai trò, hiệu quả và khả năng phát triển các nguồn NLTT, đặc biệt cho vùng sâu, vùng xa chưa có điện lưới quốc gia. Hiện nay, Việt Nam khai thác 7 dạng NLTT có tiềm năng khai thác là: gió, mặt trời, thủy điện nhỏ, sinh khối, rác thải, khí sinh học và địa nhiệt. Trong đó, thủy điện nhỏ có tiềm năng khai thác khoảng hơn 4.000 MW, năng lượng gió hơn 30.000 MW tại khu vực dọc bờ biển Trung và Đông Nam Bộ. Năng lượng bức xạ mặt trời vào khoảng 4-5 kWh/m2/ngày thuộc mức cao tại các vùng từ Thừa Thiên - Huế trở vào miền Nam. Năng lượng sinh khối (gỗ, củi, rơm rác, phụ phẩm nông nghiệp)... với tổng tiềm năng khoảng 43 - 46 triệu TOE/năm, trong đó khoảng 60% là năng lượng gỗ củi tương đương 600 - 700 MW và 40% năng lượng rơm rác, phụ phẩm nông nghiệp (chủ yếu là trấu: 197 - 225 MW, bã mía: 221 - 276 MW). Riêng năng lượng khí sinh học, tiềm năng vào khoảng 0,4 triệu TOE/năm (khoảng 570 triệu m3). Ngoài ra, các nguồn khác như rác thải sinh hoạt (khoảng 350 MW); địa nhiệt (khoảng 400 MW); thủy triều (hơn 100 MW).
Hiện nay, tại Việt Nam các nguồn NLTT đã được khai thác từ 5 loại nguồn (gió, mặt trời, thủy điện nhỏ, khí sinh học, địa nhiệt) để sản xuất điện. Theo thống kê chưa đầy đủ, tổng công suất lắp đặt các nguồn NLTT khoảng 1.215 MW. Thực trạng khai khác NLTT còn rất nhỏ so với tiềm năng và chiếm khoảng 3,4%. Theo Quy hoạch điện VII, chỉ tiêu được đặt ra là tăng tỷ lệ điện năng sản xuất từ các nguồn NLTT chiếm 3,5% (năm 2010) lên 4,5% (năm 2020) và 6% (năm 2030). Các nguồn NLTT được đánh giá là có nhiều ưu việt như sạch, ít gây ô nhiễm môi trường, có tiềm năng lớn, một số nguồn vô tận, tuy nhiên hiện Việt Nam mới tập trung phát triển thủy điện còn các dạng năng lượng khác chưa có chính sách khuyến khích, hỗ trợ, đầu tư đúng mức.
Hiện tỷ lệ tham gia của các doanh nghiệp (DN) vào các dự án NLTT còn thấp. Vậy, theo bà Nhà nước cần có chính sách gì để khuyến khích doanh nghiệp tham gia thị trường này?
TS. Nguyễn Thúy Nga: Trên cả nước hiện đã có nhiều dự án đầu tư NLTT được triển khai với sự tham gia của các DN. Tính đến tháng 5/2013, đã có 3 nhà máy điện gió được hoàn thành và phát điện thương mại (Trang trại điện gió tại xã Bình Thạnh, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận với tổng công suất lắp máy giai đoạn 1 là 30 MW, chủ đầu tư là Công ty CP năng lượng tái tạo Việt Nam; Nhà máy phong điện đảo Phú Quý, tại đảo Phú Quý, chủ đầu tư là Công ty TNHH Một Thành Viên “NLTT Điện lực Dầu khí” của Tập đoàn Dầu Khí Quốc gia Việt Nam, với tổng công suất 6 MW; Trang trại Điện gió trên biển tại tỉnh Bạc Liêu, chủ đầu tư là Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Công Lý, với tổng công suất 16 MW). Ngoài ra, còn một số dự án khác như: Các trạm phát điện sinh khối sử dụng bã mía tại các nhà máy đường (tổng công suất đặt 150 MW) do các Công ty Mía đường đầu tư xây dựng; Công trình trình diễn thu hồi khí methane từ rác thải sinh hoạt tại Gò Cát, TP. Hồ Chí Minh công suất 2,5 MW; Dự án sử dụng trấu cho phát điện tại vựa lúa đồng bằng sông Cửu Long đang được xem xét đầu tư. Dự án 2 KW điện gió + 5 KW điện mặt trời tại Kon Tum; điện gió 30 KW tại Nam Định…
Việc sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn năng lượng sạch, NLTT trong sản xuất và tiêu dùng chính là chìa khóa giải quyết ô nhiễm môi trường. Xin bà cho biết một số giải pháp cụ thể để thực hiện vấn đề này?
TS. Nguyễn Thúy Nga: Ban chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả đã công bố tiết kiệm được 3,4% tổng năng lượng tiêu thụ trong giai đoạn I (2006 - 2010) của Chương trình, tương đương trị giá 65.000 tỷ đồng. Mục tiêu của giai đoạn II (2013 - 2015) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là phải tiết kiệm 5 - 8% tổng năng lượng tiêu thụ. Đặc biệt trong Tổng sơ đồ điện VII, mục tiêu đặt ra là ưu tiên phát triển nguồn NLTT, phấn đấu tăng tỷ lệ sản lượng điện từ nguồn này đạt 4,5% (năm 2020) và 6% (năm 2030), đồng thời thực hiện lộ trình hình thành thị trường điện cạnh tranh, tháo gỡ một phần khó khăn cho các nhà đầu tư năng lượng sạch.
Để thực hiện được mục tiêu trên, các giải pháp cần được thực thi ở tầm vĩ mô và vi mô là: Xây dựng chính sách khuyến khích phát triển và giá NLTT hợp lý, cạnh tranh lành mạnh, giá cả hợp lý cho các loại năng lượng; Quy hoạch năng lượng quốc gia; Tăng cường đầu tư nghiên cứu cơ bản về công nghệ NLTT…
Xin cảm ơn bà!
Châu Loan (Thực hiện)
Nguồn: Tạp chí Môi trường, số 4/2014
Tập đoàn quốc tế INGETEAM
Thiết bị năng lượng tái tạo hàng đầu thế giới
www.ingeteam.com
Văn phòng đại diện Ingeteam Việt Nam
Địa chỉ: 671 Hoàng Hoa Thám, Ba Đình, Hà Nội
Số điện thoại: 024 6658 8500
Ingeteam fanpage: https://www.facebook.com/ingeteamvietnam/
Ingeteam Việt Nam là chi nhánh của tập đoàn điện lực quốc tế Ingeteam chuyên về công nghệ liên quan đến điện.
Lĩnh vực của tập đoàn Ingeteam: tàu thủy, tàu điện, nhà máy công nghiệp, đặc biệt là năng lượng tái tạo như thủy điện, điện mặt trời, điện gió, điện sinh khối.
Ingeteam là một công ty công nghệ tiên tiến, chuyên thiết kế các thiết bị điện tử điều khiển, điện, động cơ điện, máy phát, kỹ thuật điện và điện nhà máy.
Ingeteam luôn luôn tìm cách tối ưu hóa vấn sự tiêu thụ và tối đa hoá sự sản xuất năng lượng.
Nhận xét
Đăng nhận xét